Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Các chủng vi rút cúm gây bệnh chủ yếu là cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho; ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Theo Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9 - 45 triệu trường hợp mắc cúm với khoảng trên 61 ngàn trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi do cúm. Hàng năm ở Việt Nam trung bình có trên 800 ngàn người mắc cúm, số mắc thường gia tăng vào các thời điểm giao mùa. 

Hiện nay, thời tiết ở Đồng Nai đang trong thời điểm giao mùa, giữa mùa mưa và mùa nắng, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm có thể chênh nhau từ 8 - 12 độ C. Thời tiết ngày nóng, đêm lạnh tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan, đặc biệt những người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai rất dễ mắc bệnh.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin cúm cho một phụ nữ mang thai tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng bệnh cúm mùa, cần thực hiện các biện pháp sau:

* Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm

Vắc xin cúm được chứng minh là an toàn, hiệu quả để bảo vệ mọi người chống lại bệnh cúm. Vắc xin cúm luôn có sẵn và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua. Tiêm vắc xin phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng của bệnh cúm và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ cao. WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau: phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ; trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi; người cao tuổi (trên 65 tuổi); người mắc bệnh mạn tính; nhân viên y tế.

Vắc xin cúm được sử dụng dưới dạng thuốc tiêm, có chứa một lượng nhỏ vi rút cúm bất hoạt. Những vi rút bất hoạt không gây bệnh và ngược lại kích hoạt cơ thể con người tạo ra kháng thể để chống lại vi rút sống. Điều này có nghĩa là sau khi được chủng ngừa, cơ thể sẽ nhanh chóng tạo ra kháng thể bảo vệ nếu bị vi rút cúm xâm nhập. Tuy nhiên, hiệu quả miễn dịch của vắc xin cúm giảm theo thời gian và vi rút cúm đột biến, thay đổi cấu trúc liên tục theo chu kỳ năm vì vậy nên tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm để phòng bệnh cúm mùa hiệu quả. 

* Ngoài tiêm phòng cúm, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

3. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi tiếp xúc.

4. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. 

5. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.