Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Glocom được biết đến với tên dân gian thường gọi là bệnh cườm nước. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Glocom là nguyên nhân gây mù lòa thứ hai sau đục thủy tinh thể. Tính đến năm 2020, căn bệnh này đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người từ 40 - 80 tuổi. Dự báo số lượng bệnh nhân có thể tăng tới hơn 100 triệu người vào năm 2040. Đáng chú ý, trong tổng số bệnh nhân mắc Glocom trên toàn thế giới, châu Á chiếm tới 47%, trong đó gần 50% người không biết mình có bệnh.

Glocom là bệnh lý ở mắt có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi và độ tuổi nào. Bệnh gây ra những tổn thương tiến triển các tế bào hạch võng mạc, tổn thương thị trường và đầu dây thần kinh thị giác, thường liên quan đến tình trạng tăng nhãn áp. Người bệnh thường sẽ mất phần thị lực ngoại vi trước, sau đó sẽ thấy tầm nhìn trung tâm bị thu hẹp dần. Cuối cùng, khi bệnh tiến triển trở nên nặng hơn, người bệnh có thể mất thị lực hoàn toàn. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc Glocom bao gồm: người trên 40 tuổi; người có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch; người mắc tật khúc xạ như cận viễn thị cao, lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh; người sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài, người có tiền sử chấn thương ở mắt, người có tiền sử gia đình mắc bệnh Glocom.
Mặc dù là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng Glocom lại thường diễn ra vô cùng âm thầm. Đa số bệnh nhân tới thăm khám tại các cơ sở y tế ở tình trạng đã xuất hiện những cơn đau nhức hoặc khi thị lực đã suy giảm trầm trọng. Ở giai đoạn muộn, việc điều trị bệnh chỉ còn mang tính kiểm soát đau, ít khả năng có thể phục hồi thị lực. Do đó, việc thăm khám định kỳ, tầm soát để phát hiện bệnh rất cần thiết với những người trong nhóm nguy cơ cao nhằm tránh bỏ lỡ "thời điểm vàng" trong điều trị.
Tuần lễ Bệnh Glocom thế giới năm nay (từ 12 – 18/03/2023) với chủ đề “Thế giới tươi sáng, hãy cứu lấy thị giác của bạn” với thông điệp hãy kiểm tra mắt định kỳ để được phát hiện sớm và cứu lấy thị giác của bạn. Cụ thể: Từ 2-4 năm/lần với người dưới 40 tuổi; từ 2-3 năm/lần với người từ 40-60 tuổi; từ 1-2 năm/lần với người sau 60 tuổi.
Để phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh Glocom, mỗi người dân cần lưu ý:
- Nếu tiền sử gia đình có người bị Glôcôm, các thành viên khác trong gia đình cần đi khám chuyên khoa định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh. Không đợi đến khi có triệu chứng mới đi khám;
- Người mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, người ở độ tuổi trung niên nên đi khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh;
- Người đã từng mắc bệnh Glocom cần tái khám thường xuyên, khoảng 3 tháng 1 lần để kịp thời xử trí nếu bệnh tiến triển nặng;
- Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt hoặc lạm dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ vì sử dụng corticoid kéo dài có thể là nguyên nhân dẫn tới bệnh Glocom./. 

Bs. Diệu Hương