Đái tháo đường là một bệnh mãn tính, đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao. Các triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường thường gặp là mệt mỏi, khát nước, cảm giác đói liên tục, giảm cân, nhu cầu tiểu tiện tăng, vết thương lâu lành, v.v. Tuy nhiên, một số người bệnh đái tháo đường có các triệu chứng ít rõ ràng, nên bệnh có thể được chẩn đoán muộn, khi đã phát sinh các biến chứng. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, và cắt cụt chi.
Theo Liên đoàn đái tháo đường quốc tế (IDF), trên thế giới cứ 10 người lớn độ tuổi 20 - 79 tuổi có 1 người mắc đái tháo đường; cứ 6 trẻ sinh ra có 1 trẻ bị ảnh hưởng bởi đái tháo đường trong giai đoạn phát triển thai nhi. Đặc biệt, có tới 50% số người trưởng thành mắc đái tháo đường mà không được chẩn đoán.
Năm 1991, Liên đoàn đái tháo đường quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn ngày 14/11 hằng năm là "Ngày thế giới phòng, chống đái tháo đường", nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về đái tháo đường và các biến chứng. 14/11 cũng đánh dấu ngày sinh của Frederick Banting, người đã cùng Charles Best đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra insulin, một phương pháp điều trị cứu sống người bệnh đái tháo đường.
Chủ đề của Ngày đái tháo đường Thế giới năm 2023 là "Mọi người cần nhận biết nguy cơ về bệnh đái tháo đường của mình và biết cách ứng phó", nhằm thúc đẩy cộng đồng quan tâm đến việc nhận rõ nguy cơ mắc bệnh của bản thân, từ đó hướng tới việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh đái tháo đường.
Chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng và làm chậm các biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra. Mỗi người dân hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức để dự phòng và phát hiện sớm bệnh bệnh đái tháo đường./. BS DIỆU HƯƠNG