Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Ngày 20/3/2024, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có Công văn số 218/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin.

Sau dịch Covid-19, thế giới ghi nhận một số dịch bệnh truyền nhiễm như ho gà có xu hướng gia tăng, một phần nguyên nhân là do gián đoạn và sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng do dịch bệnh. Bên cạnh đó, tại nước ta, việc gián đoạn trong cung ứng các vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trên toàn quốc.
Theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học, v.v. Tỷ lệ mắc bệnh trong số những người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình là từ 90-100%. Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc ho gà vì bệnh lây qua đường hô hấp trong khi hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện, cấu trúc niêm mạc hô hấp còn mỏng manh và nhạy cảm. Người lớn trong gia đình mang mầm bệnh nhưng không có biểu hiện, dễ lây bệnh cho trẻ thông qua ôm hôn hoặc qua các giọt bắn trong lúc nói và hắt hơi.
Ho gà nguy hiểm ở trẻ nhỏ vì dễ gây mất sức, nhiễm độc do vi khuẩn ho gà và bội nhiễm với các tác nhân truyền nhiễm khác. Ho gà thường khởi phát với các triệu chứng như cảm cúm thông thường là mệt mỏi, chán ăn, ho, không sốt hoặc sốt nhẹ. Cơn ho sau đó ngày càng nặng và trở thành cơn ho kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Ho gà thường khiến trẻ ho rũ rượi, không thể kìm hãm kèm theo tiếng thở rít như tiếng gà. Sau các cơn ho, trẻ thường chảy nhiều đờm đi kèm với nôn. Tình trạng ho, đờm, nôn kết hợp và kéo dài dễ dẫn đến các biến chứng cơ học như sa trực tràng, lồng ruột. Trường hợp bệnh không được kiểm soát tốt, trẻ dễ tử vong do tắc đường thở, mất nước. Khả năng tử vong do ho gà còn đến từ biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, thiếu dinh dưỡng, nhiễm trùng cơ hội, v.v. Ngay cả khi đã được điều trị khỏi, các cơn ho vẫn có thể kéo dài khiến trẻ mất sức.
Hầu hết trẻ tử vong do ho gà đều là trẻ chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm không đủ phác đồ. Vắc xin là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí điều trị ho gà. Vắc xin có thành phần ho gà nay đã được kết hợp trong vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1, chỉ định sớm cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi. Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ khi đủ tháng tuổi là cách bảo vệ trẻ, chuẩn bị "tấm khiên" trước sự tấn công của ho gà cũng như các bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ làm gián đoạn quá trình phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.


Để phòng chống bệnh ho gà, Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./. BS Diệu Hương