Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người qua vết đốt.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ đầu năm đến nay (tháng 6/2024) đang có chiều hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 531 ca mắc, giảm 26% (cùng kỳ năm 2023 là 715 ca), trong đó có 06 ca nặng và 01 ca tử vong. Địa phương ghi nhận ca mắc cao là TP Dĩ An (96 ca), TP Thuận An (108 ca) và TP Bến Cát (132 ca).
Dự báo tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp, rất có khả năng gia tăng số ca mắc trong cộng đồng, do hiện nay đang bước vào mùa mưa, là thời điểm thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, chú trọng tại các khu vực có nguy cơ cao, có nguy cơ bùng phát dịch như các khu trọ, chung cư có mật độ dân cư cao. Tăng cường hoạt động giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; khống chế dịch không để lan rộng và kéo dài.
Vừa qua, vắc xin phòng sốt xuất huyết đã chính thức được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Theo dự kiến, vắc xin này sẽ có mặt ở nước ta bắt đầu từ tháng 9/2024. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngăn không cho muỗi đốt, v.v.
Trong nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của sốt xuất huyết, năm 2010, tại Hội nghị của Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 đã thống nhất chọn ngày 15 tháng 6 hàng năm là Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, huy động các nguồn lực để phòng ngừa và kiểm soát bệnh. Đồng thời thể hiện cam kết của khu vực trong việc giải quyết căn bệnh này.
Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” năm 2024, mỗi người dân và cộng đồng hãy chung tay thực hiện các biện pháp sau:
1. Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng (bọ gậy), muỗi.
2. Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
3. Sử dụng bình xịt, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
4. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong Chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có sốt xuất huyết!
BS Diệu Hương