Tháng 01/2024, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Chiến lược nêu ra một trong những nhiệm vụ chủ yếu là: Thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, miền, dân tộc. Như vậy có thể thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo, ưu tiên cho công tác y tế nói chung và dinh dưỡng nói riêng, có chiến lược cụ thể để nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực của người Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng như: tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tại các vùng nông thôn và miền núi còn ở mức cao; tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn, đặc biệt là ở đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, v.v.
Mỗi người hãy thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho bản thân như: tăng cường sử dụng đa dạng các loại thực phẩm đa dạng cho bữa ăn hằng ngày; ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm theo mùa sẵn có tại địa phương, hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường, muối, chất béo, v.v. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, bảm đảm an toàn trong chế biến và bảo quản. Đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm trước khi mua và sử dụng.
Hưởng ứng Tuần lễ dinh dưỡng và phát triển năm 20024, hãy cùng hành động để đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống./.
BS. Diệu Hương