Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Tin Y tế

Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp 17/5/2024 :

ĐO HUYẾT ÁP ĐÚNG - KIỂM SOÁT HUYẾT ÁP TỐT - SỐNG LÂU HƠN

Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, v.v, những bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành trong độ tuổi 30–79 trên toàn thế giới bị tăng huyết áp, 46% người trưởng thành bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh. Việc kiểm tra huyết áp thường xuyên và đo huyết áp đúng cách để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là rất cần thiết. Các chuyên gia khuyến nghị người dân nên tầm soát tăng huyết áp, đặc biệt là người từ 40 tuổi trở lên hoặc sớm hơn tùy theo bệnh lý mắc phải.

Nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, xã hội về gánh nặng bệnh tật do tăng huyết áp gây ra và các biện pháp hiệu quả phòng, chống tăng huyết áp, Hiệp hội Tăng huyết áp thế giới chọn ngày 17/5 hằng năm làm Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp.

“Đo huyết áp đúng - Kiểm soát huyết áp tốt - Sống lâu hơn” là chủ đề của ngày Thế giới phòng, chống Tăng huyết áp năm 2024. Với mục tiêu nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp trên toàn thế giới, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đo huyết áp chính xác, điều trị đúng, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp để phòng ngừa các biến chứng do tăng huyết áp gây ra, giúp người bệnh sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.

Để phòng chống bệnhtăng huyết áp, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện những biện pháp sau: 

  1. Chế độ ăn hợp lý: Dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axit béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hằng ngày.

  2. Duy trì cân nặng hợp lý

  3. Không hút thuốc lá hoặc thuốc lào, hạn chế uống bia rượu.

  4. Tăng cường hoạt động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.

  5. Tránh các lo âu, căng thẳng, sống tích cực, nghỉ ngơi hợp lý

  6. Đo huyết áp thường xuyên đặc biệt đối với người trên 40 tuổi. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình

  7. Người mắc tăng huyết áp nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ.

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, ngành y tế tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của ngành. Qua 1 năm triển khai thực hiện, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đạt nhiều kết quả khả quan, tích cực, tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Liên thông các loại giấy tờ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 31 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) công bố đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lái xe. Việc triển khai liên thông kết quả khám sức khỏe của người lái xe lên cổng giám định của Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (phạm vi toàn quốc). Tỷ lệ liên thông giấy khám sức khỏe lái xe lên cổng giám định BHXH đạt 100%. Tính đến ngày 20-12- 2023, toàn tỉnh đã liên thông 56.585 giấy khám sức khỏe lái xe lên cổng giám định BHXH.

Việc liên thông giấy chứng sinh, giấy chứng tử với mục đích thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng, trợ cấp mai táng đã được ngành thực hiện đạt kết quả cao. Ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở KCB có cấp giấy chứng sinh và giấy chứng tử thực hiện liên thông kết quả và đẩy lên cổng giám định BHYT. Tính đến cuối tháng 12-2023, tổng số giấy chứng sinh đã đưa lên cổng là 19.513 giấy, đạt tỷ lệ 98,8%; tổng số giấy báo tử đưa lên cổng là 299 giấy, đạt tỷ lệ 100%.

Công tác KCB sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng VNeID cũng được ngành y tế tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Theo số liệu báo cáo, các cơ sở KCB công lập và tư nhân đã mua sắm tổng cộng 231 đầu đọc thẻ CCCD gắn chíp để phục vụ công tác KCB bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT, 177/177 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ KCB BHYT. Sở Y tế thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc cơ sở KCB sử dụng thẻ CCCD trong KCB và báo cáo kết quả định kỳ theo quy định.

Cùng với các nhiệm vụ trên, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đã triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện và bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Kết quả, tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt 40,6%, dự kiến trong năm 2024 đạt trên 60%. Riêng đối với mô hình KCB sử dụng sinh trắc học, KIOS tự phục vụ, đây là mô hình mới, được Cục C06 Bộ Công an đề xuất triển khai thí điểm tại Bình Dương. Nội dung này, Cục C06 Bộ Công an hỗ trợ tỉnh xây dựng giải pháp tích hợp, xác thực định danh. Sở Y tế chủ trì chọn đơn vị triển khai thí điểm là Bệnh viện Đa khoa tỉnh để phối hợp, đôn đốc thực hiện.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Trong quá trình triển khai Đề án 06, ngành y tế tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều người dân chưa biết được tiện ích KCB BHYT bằng CCCD hoặc các ứng dụng trên điện thoại nên khi đi KCB vẫn mang chứng minh nhân dân, các giấy tờ có ảnh như bằng lái xe, thẻ người cao tuổi... Một số trường hợp xuất trình thẻ CCCD để KCB nhưng thẻ chưa tích hợp BHYT nên khi tra cứu không có thông tin. Thống kê tại các cơ sở y tế, số lượng thẻ CCCD chưa tích hợp thẻ BHYT khoảng từ 10 - 20% số bệnh nhân đến khám. Cổng tiếp nhận thông tin KCB BHYT không phân quyền nên các cơ sở KCB không thống kê được kết quả KCB bằng CCCD hàng ngày để Sở Y tế tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Hiện tại file excel mẫu trên phần mềm ASM của Bộ Công an chỉ cho tối đa 100 người/ file, trong khi mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận hơn 1.300 trường hợp lưu trú. Vì vậy, để bảo đảm thuận tiện và đầy đủ dữ liệu lưu trú của người bệnh, bệnh viện đề xuất chỉnh sửa file excel mẫu để ghi nhận số lượng nhiều hơn. Hơn nữa, dữ liệu lưu trú được đẩy lên cổng không đầy đủ do bệnh viện chỉ thu thập được thông tin của người bệnh nhập viện có BHYT, còn các trường hợp khác như người bệnh không có BHYT, người nuôi bệnh, thân nhân bệnh nhân... thì bệnh viện không thể thu thập đầy đủ thông tin. Những yếu tố này cần được khắc phục để công tác KCB tại bệnh viện trong thời gian tới thuận tiện hơn cho người bệnh.

Bích Hạnh (Nguồn: Báo Bình Dương)

Thực hiện công văn số 6798/UBND-NC của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc triển khai thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 08/01/2024, Sở Y tế ban hành công văn số 85/SYT-TTra về việc phối hợp triển khai thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau:

- Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc; Công văn số 1201/VPCP-NC ngày 14/4/2023 của Văn phòng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp, công ty tài chính, công ty luật và Kế hoạch 3414/KH-UBND ngày 15/7/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng; sử dụng đa dạng các hình thức truyền thông để phù hợp và mang lại hiệu quả đối với từng nhóm đối tượng. Đặc biệt là các hình thức sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để hoạt động cho vay, thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

- Tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình phải chấp hành nghiêm pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn; nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ... vi phạm pháp luật.

- Tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý tiếp cận nguồn vốn hợp pháp, không để tình hình liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền theo quy định.

Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghiêm túc thực hiện Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 của Thủ tướng Chính phủvề việc tăng cường các giải pháp, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”

Bích Hạnh (Tổng hợp)

 

Sáng ngày 31/01/2024, Ban thường vụ Công đoàn ngành Y tế tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động công đoàn năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Tham dự hội nghị có bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh; bà Dương Thị Thu Hồng, Chủ tịch Công đoàn Ngành Y tế và đại biểu đến từ các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe đại diện Ban chấp hành Công đoàn Ngành Y tế trình bày báo cáo tổng kết công tác công đoàn năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Trong năm 2023, Công đoàn Ngành và các CĐCS đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị đến toàn thể đoàn viên công đoàn.Tổ chức lớp tập huấn “Công tác tài chính công đoàn” cho các CĐCS. Tổ chức tốt các phong trào thi đua, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần cho đoàn viên sau những giờ lao động mệt nhọc (như Liên hoan ẩm thực, Giải bóng chuyền công chức viên chức lao động ngành Y tế, v.v). Trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” ngành Y tế năm 2023 cho 28 cháu là con công chức, viên chức, người lao động của ngành, đã có thành tích vượt khó học giỏi hoặc đạt giải thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia năm học 2022 – 2023từ Quỹ tình thương của ngành, với tổng số tiền 24,2 triệu đồng. Xét chọn 5 cháu nhận học bổng PNJ với tổng số tiền 5 triệu đồng.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, để kịp thời chia sẻ, động viên đoàn viên công đoàn, NLĐ vượt qua khó khăn, an tâm gắn bó với ngành và làm việc lâu dài tại Bình Dương, Công đoàn Ngành đã hỗ trợ, thăm hỏi, trao tặng quà cho 18 đơn vị, tập thể, 948 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền 721,674 triệu đồng. Cụ thể các hoạt động như sau: Tổ chức đoàn đi thăm hỏi lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp, tặng quà cho đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, chăm sóc, điều trị người bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tặng quà cho kíp trực Tết tại 17 đơn vị. Thăm hỏi, trao tặng 150 phần quà cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không đủ điều kiện về quê dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Vận động quà và hỗ trợ Sở Y tế trao tặng 30 phần quà cho viên chức y tế xa quê khó khăn không đủ điều kiện về quê đón Tết,v.v.

Năm 2024, Công đoàn ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động CCVCLĐ tích cực học tập và thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, đưa nội dung học tập chuyên đề đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao Y Đức của ngành, đặc biệt là thực hiện tốt “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tại các cơ sở Y tế, tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng khám chữa bệnh. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ công đoàn, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu hoạt động đã đề ra.

Trong dịp này Công đoàn ngành cũng đã biểu dương và trao tặng Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh cho các tập thể và cá nhân; Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh cho 01 tập thể; giấy khen của Công đoàn ngành y tế cho 22 tập thể và 206 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và hoạt động công đoàn năm 2023. Đồng thời trao tặng các phần quà cho đoàn viên xa quê có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024./. Bích Hạnh

 
 

Hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Theo chức Y tế thế giới, trong tháng 12/2023 thế giới đã ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023, các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi. Hiện nay, biến thế JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia Châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và vi rút hợp bào hô hấp (RSV).

Nước ta đang trong thời điểm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, đây là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.

Tại Bình Dương, trong những tuần đầu năm 2024 đã ghi nhận 02 trường hợp mắc Covid-19. Trước tình hình đó, ngày 18/01/2024, Sở Y tế đã ban hành công văn số 213/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đảm bảo công tác y tế đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Sở Y tế đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị về tăng cường công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán, triển khai hiệu quả các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, kiểm soát tình hình dịch bệnh, chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh, v.v.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, Ngành Y tế khuyến cáo người dân:

-  Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

-  Không chủ quan, lơ là, nên đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người hoặc khi có triệu chứng hô hấp. Đặc biệt, người dân cũng nên tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở, v.v.

-  Các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, v.v, cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin, kể cả Covid-19 và những loại vắc xin khác như phế cầu, cúm, v.v, đồng thời quản lý tốt bệnh lý nền.

Người có triệu chứng mắc bệnh cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác, đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị kịp thời./. Bs. Diệu Hương

 

 

 

Rượu, bia là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Rượu, bia có hại cho sức khỏe nhiều hơn có lợi. Cồn trong rượu, bia cũng có tác dụng sinh năng lượng nhưng đó là năng lượng rỗng không có giá trị dinh dưỡng. Rượu cũng được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y hoặc dùng một liều nhỏ trước bữa ăn có tác dụng kích thích khai vị. Tuy nhiên nếu lạm dụng rượu, bia sẽ rất có hại tới sức khỏe.

Uống rượu, bia liều lượng nhiều trong một lần và uống thường xuyên sẽ gây nên ngộ độc cấp và mạn tính: xơ gan, suy nhược thần kinh, run tay, trí nhớ giảm, tăng viêm loét dạ dày - ruột, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, dễ gây đột quỵ do tổn thương mạch vành và các mạch máu não. Ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai kém phát triển, thai chết lưu. Người nghiện rượu còn hay bị các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu. Về mặt xã hội, rượu bia gây tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng không tốt tới hạnh phúc gia đình, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh tật.

Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên hạn chế sử dụng rượu, bia. Nếu buộc phải uống rượu, bia thì cần lưu ý:

- Không nên mua rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Khi uống cần hạn chế: Đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày. Không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương ¾ chai hoặc lon bia 330 ml/ một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml/ một ly bia hơi 330 ml/ một ly rượu vang 100 ml hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml.

- Uống từ từ, chậm rãi, nếu rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc.

- Không nên uống rượu lúc đói: Uống rượu lúc đói làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

- Không nên uống rượu với đồ uống có ga, điều đó sẽ làm quá trình hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.

- Người đang sử dụng aspirin thì nên tránh uống rượu. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh.

- Không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là một chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim.

- Không nên uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Rượu, bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động, dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác.

Hãy sử dụng rượu, bia đúng cách và tuân thủ Luật phòng, chống tác hại của rượu bia để bảo vệ sức khoẻ, xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn./. Bs. Diệu Hương