Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa dùng cụm từ “bình đẳng giới”, mà Bác chỉ nói về vấn đề giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền và đây cũng chính là nội dung cốt lõi của vấn đề bình đẳng giới hiện nay mà thế giới và Việt Nam đang quan tâm theo đuổi vì một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Những tư tưởng cốt lõi về bình đẳng giới của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện ở một số luận điểm sau:
Một là, phụ nữ là phân nửa xã hội, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên gắn liền cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc với cuộc đấu tranh cho bình đẳng, tự do và phát triển của phụ nữ Việt Nam. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960 - Ảnh: Tư liệu

Bác luôn động viên phụ nữ tham gia vào sự nghiệp cách mạng cùng dân tộc, bởi theo Người, giải phóng phụ nữ - bản thân nó cũng là một cuộc cách mạng, là một trong những mục tiêu lớn của cách mạng, nó luôn gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Trong Văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng không chỉ giành độc lập cho dân tộc, các quyền dân chủ tự do cho nhân dân, mà còn nhằm “thực hiện nam nữ bình quyền”.
Hai là, giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và bản thân chị em phụ nữ. Bác luôn theo dõi sát sao và tạo mọi điều kiện cho phụ nữ tham gia vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng nhà nước. Đặc biệt, Bác rất quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong quần chúng phụ nữ. Khi làm việc với các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương, Bác luôn chú ý đến số lượng cán bộ nữ. Thực hiện nam nữ bình quyền, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đó là một cuộc cách mạng lớn và khó. Vì trọng nam khinh nữ là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”. Để thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng nam nữ, Bác nhắc nhở chị em “phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”. Bác cũng chỉ rõ cho các cấp ủy đảng và chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”. Bác cũng quan tâm đến việc phát huy vai trò và phát triển năng lực sáng tạo của phụ nữ, coi đó là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có sự tự vươn lên của chị em phụ nữ: Đảng và Chính phủ ta cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ người phụ nữ trong mọi công việc nhất là trong công tác lãnh đạo. Bản thân người phụ nữ sẽ phải cố gắng và đây chính là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Như vậy, bình đẳng giới theo tư tưởng của Hồ Chí Minh: Thứ nhất, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong xã hội không chỉ vì họ là lực lượng lao động to lớn, mà còn vì họ là những người tham gia xây dựng, cải tạo xã hội. Ngoài thiên chức làm mẹ, thì khả năng làm việc, sức sáng tạo khi làm việc cho cộng đồng của phụ nữ không thua kém đàn ông. Thứ hai, sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội sẽ không mang tính cách mạng đầy đủ nếu không thực sự giải phóng phụ nữ, bởi vì, họ là một nửa nhân loại, một nửa xã hội. Thứ ba, dưới chế độ ta - chế độ mọi người dân đều là chủ xã hội, nam nữ bình đẳng về vị trí, bình đẳng về quyền lợi, thì phụ nữ phải có vị trí xứng đáng với vai trò của mình. Lịch sử dân tộc ta cũng đã chứng minh rằng, phụ nữ Việt Nam có thể làm được và làm tốt mọi công việc to lớn mà lịch sử đòi hỏi, đất nước trao cho. Thứ tư, cần phải xóa bỏ tàn dư phong kiến trọng nam khinh nữ, coi thường, xem nhẹ khả năng làm việc xã hội của phụ nữ; chỉ có vậy mới thực sự giải phóng phụ nữ, để cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo có ý nghĩa cách mạng đầy đủ, có tính nhân văn sâu sắc.
Thời gian qua, việc thực hiện luật pháp, chính sách bình đẳng giới ở nước ta đã đạt được những thành quả sau:
- Nhận thức về bình đẳng giới và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ công chức và người dân được nâng lên rõ rệt.
- Sự cam kết trách nhiệm được thể hiện: Nhiều bộ, ngành và địa phương đã có nghị quyết và chương trình hành động về thực hiện bình đẳng giới.
- Hầu hết các bộ, ngành và tỉnh thành đều xây dựng, quy hoạch cán bộ bao gồm tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến luật pháp chính sách về bình đẳng giới được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới và phụ nữ tham gia chính trị.
- Công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch hành động và chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ được thực hiện theo định kỳ có tác động nâng cao tính trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện bình đẳng giới.
- Nhiều văn bản như chỉ thị, hướng dẫn của tổ chức đảng, nghị định, thông tư, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có liên quan về nhân sự, trong đó có cán bộ nữ được ban hành trong các kỳ đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân, nhân sự chủ chốt ủy ban nhân dân các cấp và nhân sự các bộ ngành liên quan đến phụ nữ.
- Nhận thức về vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia chính trị cũng được nâng cao, bản thân cán bộ nữ đã chủ động, tự tin, nỗ lực phấn đấu vươn lên; đội ngũ cán bộ nữ nhìn chung đã phát triển cả về số lượng và chất lượng so với trước đây./.

Giang Nhung