BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Bệnh viêm gan bí ẩn đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Căn nguyên gây bệnh viêm gan này vẫn còn là điều "bí ẩn" bởi lẽ các nhà khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh quốc, nguyên nhân rất có thể liên quan tới họ adenovirus. Khoảng 3/4 trong số 53 trẻ em mắc bệnh được xét nghiệm adenovirus ở Anh quốc có kết quả dương tính. Tuy nhiên, adenovirus có thể chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới những ca mắc viêm gan cấp ở trẻ. Chúng ta vẫn cần chờ đợi thêm thông tin từ các chuyên gia trên thế giới để biết nguyên nhân chính xác của căn bệnh này.

Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan bí ẩn nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập là rất lớn, do đó việc phòng bệnh, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc đang là điều cấp thiết. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các Viện đầu ngành tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ.
Theo cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã ghi nhận gần 300 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em từ 01 tháng tuổi đến 16 tuổi. Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu tại Anh, Tây Ban Nha, Israel, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu. Khu vực Châu Á cũng đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25/4/2022. Ước tính 10% trẻ em mắc viêm gan bí ẩn phải ghép gan.
Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt, trẻ mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, đi tiểu vàng và suy gan. Hầu hết các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại vi rút gây viêm gan cấp tính phổ biến như vi rút viêm gan A, B, C, D và E.
Hiện nay, chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh cũng như đường lây truyền. Các vi rút gây bệnh viêm gan thường lây qua đường tiêu hóa hoặc lây qua đường máu, chưa thấy có vi rút nào gây bệnh viêm gan lây qua đường hô hấp. Vì thế, trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan chuyên môn, mỗi gia đình hãy chủ động phòng bệnh bằng cách:
- Chú ý nâng cao sức khoẻ, vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn,v.v.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia đầy đủ để có được hệ miễn dịch khỏe mạnh, tăng cường các hoạt động thể chất ngoài trời.
- Theo dõi sức khoẻ của trẻ, khi có dấu hiệu nghi ngờ như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì nên cho trẻ đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán xem trẻ có tổn thương gan không, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời./.

DS. Giang Nhung