BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, có đến hơn 92% dân số đang sống trong không khí bị ô nhiễm và Việt Nam là một trong những quốc gia ở mức báo động cao. Tuy rằng các cơ quan, tổ chức đã cố gắng thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục tăng cao.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí. Đây được coi là một thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí cho biết không khí xung quanh ta là sạch hay ô nhiễm, ô nhiễm đến mức độ nào. Rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng càng cao khi chỉ số AQI càng lớn.

Chỉ số chất lượng không khí tại nước ta sẽ được tính theo thang điểm gồm 6 khoảng giá trị AQI. Tương ứng với đó là biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể, AQI ở khoảng giá trị từ 0 - 50 tương ứng chất lượng không khí tốt, màu xanh; AQI (51 - 100), chất lượng không khí trung bình, màu vàng; AQI (101 - 150), chất lượng không khí kém, màu da cam; AQI (151 - 200), chất lượng không khí xấu, màu đỏ; AQI (201 - 300), chất lượng không khí rất xấu, màu tím; AQI (301 - 500), chất lượng không khí nguy hại, màu nâu.

Theo Tổng cục Môi trường, thời gian gần đây, chất lượng không khí nước ta có xu hướng giảm mạnh, nhiều ngày ở mức xấu, rất xấu, thậm chí là nguy hại. Nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, v.v.

Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn gây thiệt hại kinh tế bao gồm các khoản chi phí: Chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.

Trước tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trầm trọng đang diễn ra, mỗi chúng ta cần phải hành động để bảo vệ sức khỏe cũng như hành tinh của chúng ta. Cần có nỗ lực và hành động đồng bộ từ nhiều ban, ngành trong quản lý và cải thiện chất lượng không khí. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở Trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương và cộng đồng.

Cộng đồng hãy cùng chung tay hành động vì bầu không khí sạch của chúng ta./.

Bs. Diệu Hương