Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.
Sáng 25/2/2025, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025). Tham dự buổi tọa đàm có Ban giám đốc Trung tâm KSBT, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở Trung tâm KSBT cùng toàn thể cán bộ viên chức, người lao động đang làm việc tại đơn vị.
Tại buổi tọa đàm, các cán bộ viên chức, người lao động đã được nghe lãnh đạo Trung tâm đọc thư của Bác Hồ gửi cho các cán bộ ngành Y tế cách đây 70 năm. Lời dạy của Bác cho đến nay vẫn được xem là tư tưởng chỉ đạo về chiến lược và đường lối xây dựng, phát triển ngành Y tế Việt Nam. Trong thư Bác đã ân cần dặn: “cán bộ, nhân viên y tế cả nước phải thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”.
Tự hào và khắc ghi những lời Bác dạy, những năm qua cán bộ y tế tại Ttung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân, có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.
Tại chương trình tọa đàm bác sỹ Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Hằng năm cứ đến ngày 27/02, là dịp để chúng ta bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh và cảm ơn những người thầy thuốc Việt Nam. Tự hào về truyền thống vẻ vang và những thành tựu to lớn mà ngành Y tế nước ta đã đạt được, từ đó chúng ta càng nỗ lực phấn đấu nhiều hơn, vượt qua mọi khó khăn mọi thách thức, khắc phục những hạn chế yếu kém, tiếp tục xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng vững mạnh, đáp ứng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân, xứng đáng với sự hy sinh, phấn đấu của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cũng qua buổi tọa đàm, bác sĩ Nguyễn Duy Phú đại diện các y bác sĩ trẻ của Trung tâm bày tỏ những tâm tư tình cảm đối với ngành y và quyết tâm thực hiện đúng trách nhiệm của chiến sĩ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng.
Bích Hạnh
Tại Việt Nam, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh sởi hiện có xu hướng giảm so với tháng 12/2024, nhưng vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương.
Thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa xuân với nhiệt độ thấp hơn so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi,... Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới, Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp như sau:
1. Giữ vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt công cộng, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
2. Giữ vệ sinh chung: Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là ở những nơi đông người như giao thông công cộng, cửa hàng, bệnh viện... Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc giấy ăn khi hắt hơi để ngăn virus lây lan qua tiết dịch hô hấp. Thường xuyên lau chùi và vệ sinh bề mặt các đồ vật trong nhà, cơ quan, trường học...
3. Chủ động tiêm phòng vắc xin các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như bệnh cúm, sởi – rubella, phế cầu…
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh viêm hô hấp hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
6. Khi có triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời./.
Mỹ Lệ
Ngày 4 tháng 2 hàng năm được Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế (UICC) chọn làm Ngày Thế giới phòng, chống bệnh Ung thư nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng về việc chủ động ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh ung thư.
Tế bào ung thư phát triển thầm lặng. 80% ung thư có liên quan đến môi trường sống hàng ngày, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn. Nhiều bệnh ung thư có thể ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố nguy cơ cao, chẳng hạn như khói thuốc lá, một số hóa chất độc hại. Ngoài ra, có một tỷ lệ đáng kể ung thư có thể được điều trị có kết quả tốt bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị liệu, đặc biệt nếu được phát hiện bệnh sớm. Bệnh ung thư nếu phát hiện càng sớm, tỉ lệ chữa khỏi càng cao, tiết kiệm về chi phí; ngược lại nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì sẽ để lại gánh nặng lớn về kinh phí và hiệu quả điều trị cũng giảm đáng kể.
Do vậy, mỗi người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ, khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ ung thư cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, phát hiện sớm hoặc loại trừ bệnh ung thư. Ngoài ra nên thực hiện những khuyến cáo dưới đây để giảm nguy cơ mắc bệnh: Không hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào; hạn chế sử dụng rượu, bia; thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý; tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời; tránh các chất gây ô nhiễm và hóa chất; sinh hoạt tình dục lành mạnh, an toàn; thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là tiêm phòng viêm gan B và HPV./.
Mỹ Lệ
Bản tin sức khỏe Bình Dương số 01/2025
Sáng ngày 22/01/2025, Ban thường vụ Công đoàn ngành Y tế tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025. Đến dự hội nghị có: Liên đoàn lao động tỉnh; bà Dương Thị Thu Hồng, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế và các Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc.
Tại Hội nghị, các đại biểu nghe đại diện Ban chấp hành Công đoàn ngành Y tế trình bày báo cáo tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Năm vừa qua, Công đoàn ngành Y tế Bình Dương đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng hành tiếp sức cho cán bộ y tế bằng những hành động, việc làm thiết thực, hiệu quả như:
Trong năm 2024, Công đoàn ngành và các CĐCS đã kịp thời, tuyên truyền phổ biến các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị đến toàn thể đoàn viên công đoàn.
Công đoàn ngành đã xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động Tháng Công nhân, Tháng hành động An toàn Vệ sinh lao động (ngày 26/4/2024). Tổ chức Giải Việt dã ngành Y tế lần thứ XV, có 33 CĐCS tham gia với 41 đồng đội và 570 vận động viên . Thăm tặng quà cho 171 đoàn viên, NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 85.500.000đ. Phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức 01 lớp tập huấn An toàn vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp trong nhân viên y tế năm 2024 cho các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm UBKT, Trưởng ban Nữ công CĐCS, lãnh đạo đơn vị và cán bộ phụ trách tham mưu công tác An toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, có 122 người tham dự .Trong dịp Tết Nguyên đán 2024, để kịp thời chia sẻ, động viên đoàn viên công đoàn, người lao động vượt qua khó khăn, an tâm gắn bó với ngành và làm việc lâu dài tại Bình Dương. Công đoàn ngành đã hỗ trợ, thăm hỏi, trao tặng quà cho 23 đơn vị Y tế, 1.057 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền 723,74 triệu đồng .
Công đoàn ngành đã xây kế hoạch phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2024 và tổ chức phát động các phong trào thi đua tại Lễ kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo đơn vị và Chủ tịch các CĐCS trực thuộc; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Trong dịp này Công đoàn ngành cũng đã biểu dương và trao tặng: Bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh cho các tập thể và cá nhân; giấy khen của Công đoàn ngành y tế cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và hoạt động công đoàn năm 2024. Nhận Cờ thi đua của Liên đoàn Lao động tỉnh: 02 tập thể.
Phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Công đoàn ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động CCVCLĐ tích cực học tập và thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, đưa nội dung học tập chuyên đề đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử nâng cao Y Đức của ngành, đặc biệt là thực hiện tốt “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tại các cơ sở Y tế, tổ chức các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng khám chữa bệnh. Đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở và đội ngũ cán bộ công đoàn,… phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu hoạt động đã đề ra.
Nhân dịp này, Công đoàn ngành Y tế đã trao tặng các phần quà hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025../.
Bích Hạnh
Tết Nguyên Đán và Lễ Hội Xuân là những dịp lễ quan trọng và truyền thống của người dân Việt Nam. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm; Bên cạnh đó thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo về an toàn thực phẩm và biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày Tết như sau:
1. Nên mua vừa đủ, mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng: Vào những dịp trước Tết thì nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, sản phẩm bánh kẹo, đồ chế biến sẵn rất dồi dào với đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, chúng ta cần lựa chọn sản phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nên chọn các điểm mua sắm đảm bảo.
2. Các chợ, siêu thị thường đã mở cửa sau mùng 2 Tết, thậm chí có cửa hàng bán xuyên Tết, do đó việc mua sắm, tích trữ thực phẩm là không cần thiết, gây lãng phí mà có thể không an toàn. Việc bảo quản thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín có thể gây nhiễm chéo vi khuẩn gây bệnh.
3. Không nên mua nhiều thực phẩm vượt quá sức chứa của tủ lạnh, nhiệt độ của tủ có thể không đủ độ lạnh, dẫn đến thức ăn nhanh ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, khi mua sắm Tết, hãy tính toán lượng thức ăn đủ dùng, không nên mua quá nhiều đồ ăn rồi để tủ lạnh vừa không tươi, vừa có thể lãng phí, mà để lâu, bảo quản không đúng cách có thể không đảm bảo cho sức khỏe và có thể gây ngộ độc.
4. Lưu ý, cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Mấy năm gần đây hoạt động mua bán đồ ăn, thực phẩm chế biến sẵn trên những nền tảng xã hội như Facebook, Zalo trở nên phổ biến, và đặc biệt nhộn nhịp trong những dịp tết đến xuân về khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Có nhiều cơ sở kinh doanh cung cấp các thực phẩm có hương vị thơm ngon, sạch sẽ. Tuy nhiên, do các thực phẩm này chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công tại hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ có thể gây mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là khi đơn đặt hàng vượt quá khả năng sản xuất chế biến.
5. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, tự nấu ăn để giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Nếu mua thực phẩm sẵn, hỏi rõ thời gian chế biến, cách bảo quản và nấu chín trước khi dùng. Thực phẩm cần nấu chín kỹ, tránh ăn đồ sống hoặc lên men nếu không đảm bảo an toàn. Đối với thức ăn thừa, cần đậy kín rồi bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông, trước khi dùng lại cần hâm nóng đủ thời gian. Đối với các thực phẩm đông lạnh, rã đông trước khi nấu bằng một trong các cách sau: rã đông trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm, rã đông dưới vòi nước chảy, hoặc bằng lò vi sóng. Thực phẩm đã rã đông thì không cấp đông lại.
6. Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi liên hoan, tất niên, sum họp gia đình, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn. Chỉ uống rượu, bia có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế rượu thủ công hoặc ngâm thảo dược vì dễ chứa độc tố. Tuyệt đối không uống đồ uống không rõ xuất xứ.
Hãy thực hiện tốt các quy tắc về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ cho chính mình, người thân và cộng đồng./.
Mỹ Lệ