Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2021 với chủ đề “Chiến thắng Covid, Chấm dứt bệnh lao”, “Biến hiểm họa Covid-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”. Đây là cơ hội cho chúng ta chung tay giúp sức, nâng cao nhận thức về bệnh lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng để chiến thắng bệnh lao.

Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ dàng lây lan ra cộng đồng nếu người bệnh không được chữa trị đúng cách. Bênh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hằng năm và gần 1,5 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.

Hiện nước ta vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, so với cả nước Bình Dương đứng thứ 5/63 tỉnh có gánh nặng bệnh lao cao. Bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.

 Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Bởi lẽ không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, Covid-19 chỉ lây khi tiếp xúc giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật, qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng, mắt, mũi.

Theo các báo cáo, hằng năm cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Riêng Bình Dương là khoảng 3.000 người. Điều đáng mừng là tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.

Việt Nam phấn đấu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Để thực hiện được điều này, Chương trình Chống lao quốc gia cũng như Chương trình Chống lao tỉnh đã có những đổi mới trong công tác phòng, chống lao với ba nội dung hành động: một cam kết, hai đột phá, ba vận động. Nếu công tác phòng, chống lao nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được./.

BS. Tăng Văn Hiệp – K.PCBTN