Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Ở Việt Nam, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong trên người cao trong những năm qua, tình hình bệnh có xu hướng gia tăng và số người tử vong do bệnh dại năm sau cao hơn năm trước. Năm 2023, theo thống kê của Bộ Y tế, có 82 người chết vì bệnh dại ở 30 tỉnh, thành phố, tăng 12 trường hợp so với năm 2022 (~17%); 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 45% so với năm 2022.

Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030 là mục tiêu toàn cầu mà các tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, khối tư nhân và đại diện của hơn 70 quốc gia bao gồm cả Việt Nam đã thống nhất tại hội nghị toàn cầu về bệnh dại năm 2015. Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030 của nước ta đặt mục tiêu cụ thể đối với phòng, chống bệnh dại ở người: đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017-2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.
Ngày 28/09/2024 đánh dấu Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại lần thứ 18 với chủ đề “Phá vỡ ranh giới bệnh dại”, nhằm nhấn mạnh nhu cầu vượt ra ngoài chuẩn mực và phá vỡ các ranh giới ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu loại trừ bệnh dại, không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.


Có rất nhiều ranh giới có khả năng ngăn cản chúng ta đạt được mục tiêu loại trừ bệnh dại, chủ đề năm nay hướng tới các giải pháp để loại bỏ những ranh giới này, như đầu tư cho tiêm chủng phòng bệnh dại trên người và chó, mèo, truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh dại và cách phòng tránh, hợp tác và liên kết các lực lượng liên ngành trong đấu tranh phòng chống bệnh dại. Bên cạnh đó, chủ đề này còn có ý nghĩa nêu bật sự đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống lại bệnh dại, vì bệnh dại là một căn bệnh xuyên biên giới, có mặt ở tất cả các quốc gia.
Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dại đòi hỏi phải có sự phối hợp đa ngành, đặc biệt là hệ thống thú y và y tế, cũng như cần sự tham gia tích cực của cộng đồng. Để chủ động phòng tránh bệnh dại, mỗi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước sạch và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó hoặc mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidine
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Cần tiêm đủ liều và đúng lịch theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự ý chữa bệnh hoặc nhờ thầy lang chữa bệnh dại./. BS Diệu Hương