Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) được tổ chức tại Rio de Janeiro, Liên Hiệp Quốc đã ra nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước Thế giới - nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng thiết yếu của nước đối với mọi sinh vật.
Trong những năm gần đây, thế giới ghi nhận những biến động nguy hiểm về nguồn cung cấp nước với lũ lụt trong thời kỳ băng tan nhanh, tiếp theo là hạn hán trong những tháng mùa hè khi các sông băng không còn cung cấp đủ nước. Hơn 275.000 sông băng trên toàn thế giới bao phủ khoảng 700.000 km². Các sông băng và tảng băng lưu trữ khoảng 70% lượng nước ngọt toàn cầu. Tuy nhiên, các khối băng này đang nhanh chóng tan chảy do biến đổi khí hậu. Việc bảo tồn các nguồn tài nguyên quan trọng này không chỉ cần thiết cho tính bền vững của môi trường mà còn cho sự ổn định kinh tế và cuộc sống của con người trên toàn thế giới. Đối với hàng tỷ người, sự tan chảy này đang gây ra nhiều tác động vô cùng lớn, bao gồm lũ lụt, hạn hán, lở đất và mực nước biển dâng cao. Vô số cộng đồng và hệ sinh thái đang có nguy cơ bị tàn phá. Việc cắt giảm khí thải carbon trên toàn cầu và các chiến lược địa phương để thích ứng với tình trạng sông băng đang thu hẹp là điều cần thiết.
Trước thực trạng trên, tại phiên họp thường kỳ của Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào năm 2022, Đại hội đồng quyết định tuyên bố năm 2025 là Năm quốc tế bảo tồn các sông băng và công bố ngày 21/3 hằng năm là Ngày thế giới bảo tồn các sông băng và sẽ được tổ chức bắt đầu từ năm 2025.
Những sự kiện trên nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về vai trò quan trọng của sông băng, tuyết và băng trong hệ thống khí hậu và chu trình thủy văn cũng như tác động kinh tế - xã hội và môi trường của những thay đổi sắp xảy ra trong tầng băng của trái đất.
Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2025 là “Bảo tồn các dòng sông băng”. Chiến dịch Ngày Nước thế giới năm nay nhằm lồng ghép việc bảo tồn sông băng vào trọng tâm của các kế hoạch hành động nhằm giải quyết biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng nước toàn cầu.
Chúng ta phải giảm lượng khí thải nhà kính để làm chậm quá trình tan băng. Bảo vệ các sông băng là chiến lược sinh tồn của con người và hành tinh.
Mỹ Lệ