Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Tin tức cập nhật

Tổng hợp các tin chuyên môn

 

TIÊM CHỦNG CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI LÀ ĐIỀU CÓ THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC

Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới được tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4, với mục đích thúc đẩy việc sử dụng vắc xin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại dịch bệnh, giúp chúng ta có cuộc cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm và được công nhận là một trong những can thiệp y tế thành công nhất trên thế giới.

Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới năm nay diễn ra từ ngày 24 đến ngày 30/4/2025 với chủ đề: “Tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều có thể thực hiện được”.

Trong 50 năm qua, vắc-xin thiết yếu đã cứu sống ít nhất 154 triệu người. Tức là 6 người mỗi phút, mỗi ngày, trong năm thập kỷ. Trong 50 năm này, tiêm chủng đạt 40% cải thiện về khả năng sống của trẻ sơ sinh và ngày càng có nhiều trẻ em sống đến 12 tháng tuổi và nhiều hơn. Riêng vắc-xin sởi đã cứu sống 60% số trẻ em đó. Sẽ có nhiều người được cứu sống từ những thành tựu này. Tương lai, tiêm chủng không chỉ có nghĩa là tiếp cận hàng triệu trẻ em chưa bao giờ được tiêm chủng, mà còn phòng ngừa các bệnh khác như: cúm cho người lớn tuổi, bệnh sốt rét và RSV cho trẻ sơ sinh, bệnh uốn ván cho bà mẹ mang thai và HPV cho trẻ em gái.

Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt trong lịch sử sức khỏe toàn cầu. Những thành quả xóa sổ các bệnh có thể phòng ngừa thông qua tiêm chủng đang bị đe dọa. Nhiều thập kỷ nỗ lực hợp tác giữa các chính phủ, các cơ quan viện trợ, các nhà khoa học, nhân viên y tế và ba mẹ của trẻ đã góp phần tạo nên những thành tựu như hôm nay - một thế giới mà chúng ta đã xóa sổ bệnh đậu mùa và đang thanh toán bệnh bại liệt.

Với khẩu hiệu “Tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều có thể thực hiện được”, Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2025 hướng đến mục tiêu đảm bảo ngày càng nhiều trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và cộng đồng của họ được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.

Vắc-xin là bằng chứng cho thấy ít bệnh tật hơn, nhiều cuộc sống hơn là điều có thể khi chúng ta quyết tâm thực hiện. 

Đã đến lúc chứng minh với thế giới rằng việc tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều hoàn toàn có thể. Đầu tư cho tiêm chủng là một trong những khoản đầu tư tốt nhất cho sức khỏe con người./.

Mỹ Lệ

Bệnh cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A(H5N1) lây sang người. A/H5N1 là chủng cúm có độc lực cao, có khả năng gây ra các biến chứng và nguy cơ tử vong cao ở người.

Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1), ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Hiện nay chưa có bằng chứng về việc bệnh lây lan từ người sang người.

Bệnh có các biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

5. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời./. 

Mỹ Lệ

Trong giai đoạn gần đây tình hình bệnh sốt xuất huyết trên thế giới ở nhiều quốc gia ca bệnh gia tăng và diễn biến phức tạp do điều kiện môi trường thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh, tốc độ đô thị hóa gia tăng, di biến động dân cư nên khó kiểm soát nguồn truyền bệnh.

Hiện nay thời điểm đi vào mùa mưa sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp. Bệnh sốt xuất huyết tại Bình Dương có gia tăng so với cùng kỳ năm 2024 gần 2 lần (741/386) hiện ghi nhận 02 trường hợp tử vong do SXH; Vì vậy chúng ta phải tăng cường và chủ động phòng dịch và tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống Sốt xuất huyết.  

Để chủ động phòng bệnh cho cộng đồng Ngành y tế tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân cần thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh như sau:

 - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.  

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.  

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.  

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.  

- Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.

Mỹ Lệ

Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch Quý I năm 2025

 công tác chiến dịch tiêm ngừa vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi và trẻ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn tỉnh

 

Chiều ngày 11/4/2025, Sở Y tế tổ chức Hội nghị Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch quý I triển khai công tác phòng chống dịch quý II năm 2025; công tác chiến dịch tiêm ngừa vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi và trẻ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có ông Huỳnh Minh Chín- PGĐ Sở Y tế; phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế, lãnh đạo và viên chức các TTYT huyện, thị, thành phố; lãnh đạo và cán bộ chuyên trách 91 TYT; Ban lãnh đạo, Trưởng, Phó, cán bộ chuyên trách các khoa phòng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác dự phòng, kiểm soát bệnh tật quý I năm 2025 và báo cáo tình hình dịch sởi và chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ từ 6-9 tháng và 1 – 10 tuổi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong quý I ghi nhận 741 ca mắc sốt xuất huyết tăng so với cùng kỳ; 2426 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi; 480 ca bệnh Tay chân miệng tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ, chưa ghi nhận ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch từ đầu năm do đó các dịch bệnh nguy hiểm nhóm A như tả, Cúm A/H5N1, H7N9 không xuất hiện ca mắc/chết. Các bệnh truyền nhiễm thường xuyên có ca mắc hàng năm cao (Thủy đậu, Quai bị…) nhưng trong quý I ghi nhận số ca mắc thấp, không ghi nhận ca tử vong. Tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên quy mô toàn tỉnh ghi nhận: TCĐĐ (25,5%), VAT2+ (23,38%), VNNB mũi 2 (18,55%), VNNB mũi 3 (17,96%), IPV mũi 1 (25,78%), UVSS (13,29%), MR (24,30%), DPT (20,46%).

Về tình hình dịch sởi và chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi cho trẻ từ 6-9 tháng và 1 – 10 tuổi trên địa bàn tỉnh đầu năm 2025. Từ đầu năm 2025 ghi nhận 2.722 ca và 01 ca tử vong. Trong đó địa phương có số ca mắc cao nhất là Thuận An. Tính đến tuần 14, số ca sởi đã giảm có chiều hướng kiểm soát được. Từ cuối tháng 10 năm 2024 tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin cho đối tượng trẻ em từ 1 đến 10 tuổi và nhân viên y tế. Bình Dương đã tiêm được hơn 90.000 trẻ và 5.890 NVYT đạt tỉ lệ 93%. Năm 2025 tỉnh tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi cho đối tượng 6 -<9 tháng và 1 – 10 tuổi. Đến hiện tại ghi nhận tỷ lệ tiêm cho đối tượng 6 -<9 tháng đạt khoảng 68,8% và 1 – 10 tuổi đạt trên 100%. Diễn biến bệnh sởi đến hiện tại có chiều hướng đang giảm dần, ghi nhận tuần gần nhất số ca mắc và nghi sởi chỉ 70 ca.

 Trong quý II năm 2025, Ngành Y tế, tiếp tục tập trung công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh phù hợp trong tình hình mới; đặc biệt trong điều kiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế không còn thực hiện, nguồn lực cho công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế. Tập trung cho công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, các dự án luật, các văn bản dưới luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ngành y tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Duy trì, tăng cường hoạt động của các đội phản ứng nhanh, cơ động thường trực phòng chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý dịch. Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng và tiêm chủng vắc xin. Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các hoạt động phòng, chống dịch; Chỉ đạo hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh và triển khai hiệu quả bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, internet./.

Bích Hạnh

 

NGÀY TOÀN DÂN HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN 07/4/2025

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở nước ta đã lớn mạnh không ngừng, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Năm 2024, toàn quốc đã vận động, tiếp nhận 1.747.926 đơn vị máu; tương đương 1,7% dân số. Trong đó, tỷ lệ HMTN đạt trên 98%; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt trên 63%; tỷ lệ đơn vị máu có thể tích 350ml trở lên đạt khoảng 68%.

Có được kết quả rất đáng khích lệ này là sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc và sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền; Ban Chỉ đạo vận động HMTN các cấp đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu đề ra với nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới kịp thời và nhận được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 07/4 là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Sau 25 năm triển khai, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành nét đẹp văn hóa, lan tỏa ý nghĩa nhân văn và được đông đảo người dân hưởng ứng.

Hiến máu tình nguyện là một cử chỉ cao quý. Những người hiến máu thường xuyên luôn có ý thức giữ sức khỏe, đồng thời tự sàng lọc các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân người hiến máu và cả người bệnh được nhận máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất. Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng mà công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh được kịp thời, giúp ngành Y tế có thể triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc, v.v. Có thể thấy, bên cạnh đội ngũ cán bộ y tế giỏi về y đức, tinh thông nghiệp vụ, trang thiết bị hiện đại thì việc có đủ nguồn máu an toàn, chất lượng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Năm 2025, toàn quốc phấn đấu, tiếp nhận khoảng 1,85 triệu đơn vị máu; tỷ lệ HMTN là 99%; tỷ lệ hiến máu nhắc lại trên 60%; tỷ lệ dân số hiến máu tương đương là 1,9%.

Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2025, vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, mỗi người dân khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu. 

Mỹ Lệ

Hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới (07/4/2025):  

KHỞI ĐẦU KHỎE MẠNH, TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG

Ngày Sức khỏe thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 07 tháng 4, đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 1948 và nhằm lan tỏa thông tin, nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe đối với con người.

Theo WHO, ước tính hiện tại, gần 300.000 phụ nữ tử vong do mang thai hoặc sinh con mỗi năm, hơn 2 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu tiên của cuộc đời và khoảng 2 triệu trẻ khác chết lưu. Tức là cứ 7 giây lại có 1 ca tử vong có thể phòng ngừa được. Dựa trên xu hướng hiện tại, có tới 4 trong số 5 quốc gia đang không đạt được mục tiêu cải thiện khả năng sống sót của bà mẹ đến năm 2030 và 1 trong 3 quốc gia sẽ không đạt được mục tiêu giảm tử vong ở trẻ sơ sinh.

Phụ nữ và gia đình đều cần sự chăm sóc chất lượng cao về mặt thể chất và tinh thần, trước, trong và sau khi sinh.

Hệ thống y tế cần phát triển để hỗ trợ nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh. Những vấn đề sức khỏe này không chỉ gồm các biến chứng sản khoa mà còn gồm các tình trạng sức khỏe tâm thần, bệnh không lây nhiễm và kế hoạch hóa gia đình.

Ngoài ra, phụ nữ và gia đình cần được hỗ trợ về mặt luật pháp, chính sách để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của họ.

Năm 2025, WHO đưa ra chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới là: “Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng”. Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay sẽ khởi động một chiến dịch kéo dài một năm về sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, khuyến khích các chính phủ và cộng đồng y tế tăng cường nỗ lực chấm dứt tình trạng tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh có thể phòng ngừa được, và ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc lâu dài của phụ nữ.

Sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh là nền tảng của gia đình và cộng đồng khỏe mạnh, giúp đảm bảo tương lai tươi sáng cho tất cả chúng ta./. 

Mỹ Lệ