Bệnh hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản), là một trong những bệnh mãn tính không lây nhiễm phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hơn 260 triệu người và gây ra hơn 450.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới, hầu hết trong số đó đều có thể phòng ngừa được.
Do ảnh hưởng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân chính làm căn bệnh này phát triển. Người mắc bệnh hen phế quản có thể xuất hiện cơn khó thở nặng và gây tử vong ở bất kỳ thời điểm nào. Việc phát hiện sớm và kiểm soát hoàn toàn bệnh hen phế quản giúp giảm thiểu tình trạng tàn tật và tử vong liên quan đến hen phế quản. Mặc dù, bệnh hen phế quản không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu kiểm soát tốt có thể giúp người bệnh có chất lượng sống tốt và tránh được tử vong.
Ngày Hen toàn cầu là sự kiện được tổ chức vào ngày thứ ba tuần đầu của tháng 5 hàng năm, do Tổ chức phòng, chống hen toàn cầu (GINA) khởi xướng từ năm 1998, nhằm giáo dục và nâng cao nhận thức về bệnh hen trên toàn thế giới.
Năm 2024, Ngày Hen toàn cầu được tổ chức vào ngày 07 tháng 5 với chủ đề: “Tăng cường giáo dục về bệnh hen”, nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải giáo dục và nâng cao nhận thức về bệnh hen cho cộng đồng, đặc biệt là người bệnh hen trong việc quản lý bệnh hen, kiểm soát cơn hen hiệu quả và biết tìm kiếm sự trợ giúp y tế đúng lúc để phòng ngừa biến chứng do bệnh hen gây ra.
Quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Chính phủ và ngành y tế Việt Nam, thể hiện qua Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm 2015-2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị hen phế quản người lớn và trẻ em ≥ 12 tuổi.
Hãy đến cơ sở Y tế gần bạn nhất để được tư vấn và đo chức năng hô hấp để phát hiện và chẩn đoán xác định bệnh hen phế quản./.BS Diệu Hương