Theo Nghị quyết 104/NQ-CP, ngày 15/8/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030, sẽ có thêm 4 loại vắc xin mới được bổ sung vào chương trình tiêm chủng mở rộng theo lộ trình như sau:
Năm 2024: vắc xin Rota (vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do vi rút Rota);
Năm 2025: vắc xin phế cầu (vắc xin phòng các bệnh phế cầu khuẩn xâm lấn gây nguy hiểm cho trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu), viêm tai giữa cấp tính, v.v.)
Năm 2026: vắc xin HPV (vắc xin phòng, ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư và loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm vi rút HPV)
Năm 2030: vắc xin cúm mùa.
Điều đó có nghĩa các loại vắc xin này sẽ được sử dụng miễn phí cho trẻ theo hướng dẫn.
Vắc xin Rota dự kiến sẽ được triển khai trước tại 33 tỉnh, thành. Đến cuối năm 2024, sẽ mở rộng phạm vi triển khai để đến năm 2025 có đủ vắc xin triển khai cho toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước.
Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - PGS.TS Dương Thị Hồng cho hay, nguồn vắc xin Rota sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ có 20% do Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ, còn lại 80% sẽ mua sắm vắc xin sản xuất trong nước.
Rota vi rút là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vi rút này có trong phân của người bị nhiễm bệnh, lây qua tiếp xúc đường miệng ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng.
Nhiễm trùng vi rút Rota có thể dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng, gây ra các ảnh hưởng lớn đến cơ thể như mất nước. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng mất nước có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Như vậy, vắc xin Rota sẽ là vắc xin thứ 13 được đưa vào trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nước ta. Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng cung cấp các loại vắc xin phòng được 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm bao gồm lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, bệnh tả (vùng có nguy cơ cao) và thương hàn (vùng có nguy cơ cao)./. BS Diệu Hương (Suckhoedoisong.vn)