BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Rượu, bia là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Rượu, bia có hại cho sức khỏe nhiều hơn có lợi. Cồn trong rượu, bia cũng có tác dụng sinh năng lượng nhưng đó là năng lượng rỗng không có giá trị dinh dưỡng. Rượu cũng được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y hoặc dùng một liều nhỏ trước bữa ăn có tác dụng kích thích khai vị. Tuy nhiên nếu lạm dụng rượu, bia sẽ rất có hại tới sức khỏe.

Uống rượu, bia liều lượng nhiều trong một lần và uống thường xuyên sẽ gây nên ngộ độc cấp và mạn tính: xơ gan, suy nhược thần kinh, run tay, trí nhớ giảm, tăng viêm loét dạ dày - ruột, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, dễ gây đột quỵ do tổn thương mạch vành và các mạch máu não. Ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai kém phát triển, thai chết lưu. Người nghiện rượu còn hay bị các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu. Về mặt xã hội, rượu bia gây tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng không tốt tới hạnh phúc gia đình, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh tật.

Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên hạn chế sử dụng rượu, bia. Nếu buộc phải uống rượu, bia thì cần lưu ý:

- Không nên mua rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Khi uống cần hạn chế: Đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày. Không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương ¾ chai hoặc lon bia 330 ml/ một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml/ một ly bia hơi 330 ml/ một ly rượu vang 100 ml hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml.

- Uống từ từ, chậm rãi, nếu rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc.

- Không nên uống rượu lúc đói: Uống rượu lúc đói làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

- Không nên uống rượu với đồ uống có ga, điều đó sẽ làm quá trình hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.

- Người đang sử dụng aspirin thì nên tránh uống rượu. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh.

- Không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là một chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim.

- Không nên uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Rượu, bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động, dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác.

Hãy sử dụng rượu, bia đúng cách và tuân thủ Luật phòng, chống tác hại của rượu bia để bảo vệ sức khoẻ, xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn./. Bs. Diệu Hương