Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Tin Y tế

Hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Theo chức Y tế thế giới, trong tháng 12/2023 thế giới đã ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do Covid-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023, các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi. Hiện nay, biến thế JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu. Tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia Châu Âu cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 cùng với sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp khác như cúm mùa và vi rút hợp bào hô hấp (RSV).

Nước ta đang trong thời điểm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, đây là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền.

Tại Bình Dương, trong những tuần đầu năm 2024 đã ghi nhận 02 trường hợp mắc Covid-19. Trước tình hình đó, ngày 18/01/2024, Sở Y tế đã ban hành công văn số 213/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đảm bảo công tác y tế đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Sở Y tế đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị về tăng cường công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán, triển khai hiệu quả các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, kiểm soát tình hình dịch bệnh, chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống của dịch bệnh, v.v.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, Ngành Y tế khuyến cáo người dân:

-  Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.

-  Không chủ quan, lơ là, nên đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người hoặc khi có triệu chứng hô hấp. Đặc biệt, người dân cũng nên tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở, v.v.

-  Các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, v.v, cần được tiêm chủng đầy đủ vắc xin, kể cả Covid-19 và những loại vắc xin khác như phế cầu, cúm, v.v, đồng thời quản lý tốt bệnh lý nền.

Người có triệu chứng mắc bệnh cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác, đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị kịp thời./. Bs. Diệu Hương

 

 

 

Rượu, bia là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Rượu, bia có hại cho sức khỏe nhiều hơn có lợi. Cồn trong rượu, bia cũng có tác dụng sinh năng lượng nhưng đó là năng lượng rỗng không có giá trị dinh dưỡng. Rượu cũng được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y hoặc dùng một liều nhỏ trước bữa ăn có tác dụng kích thích khai vị. Tuy nhiên nếu lạm dụng rượu, bia sẽ rất có hại tới sức khỏe.

Uống rượu, bia liều lượng nhiều trong một lần và uống thường xuyên sẽ gây nên ngộ độc cấp và mạn tính: xơ gan, suy nhược thần kinh, run tay, trí nhớ giảm, tăng viêm loét dạ dày - ruột, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, dễ gây đột quỵ do tổn thương mạch vành và các mạch máu não. Ở phụ nữ có thai dễ gây sảy thai, thai kém phát triển, thai chết lưu. Người nghiện rượu còn hay bị các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu. Về mặt xã hội, rượu bia gây tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội, ảnh hưởng không tốt tới hạnh phúc gia đình, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới sức khỏe, bệnh tật.

Để bảo vệ sức khỏe, bạn nên hạn chế sử dụng rượu, bia. Nếu buộc phải uống rượu, bia thì cần lưu ý:

- Không nên mua rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Khi uống cần hạn chế: Đối với nam: ≤ 02 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 01 đơn vị cồn/ngày. Không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương ¾ chai hoặc lon bia 330 ml/ một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml/ một ly bia hơi 330 ml/ một ly rượu vang 100 ml hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml.

- Uống từ từ, chậm rãi, nếu rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc.

- Không nên uống rượu lúc đói: Uống rượu lúc đói làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.

- Không nên uống rượu với đồ uống có ga, điều đó sẽ làm quá trình hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.

- Người đang sử dụng aspirin thì nên tránh uống rượu. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh.

- Không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là một chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim.

- Không nên uống rượu khi điều khiển phương tiện giao thông. Rượu, bia là một chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh, làm hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, mất khả năng định hướng, mất khả năng điều khiển vận động, dễ dẫn đến người điều khiển tự gây tai nạn hoặc gây tai nạn với các phương tiện khác.

Hãy sử dụng rượu, bia đúng cách và tuân thủ Luật phòng, chống tác hại của rượu bia để bảo vệ sức khoẻ, xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn./. Bs. Diệu Hương

 
 

Đầu năm là thời điểm có nhiều lễ hội, sự kiện diễn ra trong phạm vi cả nước, đặc biệt là Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân. Đây là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường lớn nhất trong năm. Các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn thường là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay. Nếu công tác vệ sinh an toàn thực phẩm không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Để bảo sức khoẻ của bản thân và gia đình trước những nguy cơ từ thực phẩm, mỗi người dân hãy thực hiện tốt những biện pháp sau:

-  Mua vừa đủ, mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng: chúng ta cần lựa chọn sản phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ, thành phần rõ ràng. Hiện nay, các chợ, siêu thị thường đã mở cửa sớm vào dịp tết, do đó việc mua sắm, tích trữ thực phẩm là không cần thiết, gây lãng phí mà có thể không an toàn.

-  Cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ: các thực phẩm này chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công tại hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện không gian sản xuất hạn hẹp, trang thiết bị, dụng cụ không đạt tiêu chuẩn có thể gây mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là khi đơn đặt hàng vượt quá khả năng sản xuất chế biến. Trường hợp thực sự muốn mua những thực phẩm này, cần phải hỏi rõ người bán thời điểm chế biến, phương pháp bảo quản ở nhiệt độ phù hợp và cách sử dụng.

-  Thực hành vệ sinh, phân loại, bảo quản và chế biến thực phẩm tốt chúng ta cần phải: Rửa sạch tay với nước và xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm. Rửa sạch rau, củ, quả dưới vòi nước chảy. Bảo quản các loại thực phẩm tươi sống cần phải tách biệt với các loại thực phẩm đã được nấu chín. Sử dụng dao và thớt riêng. Nấu chín kỹ các loại thực phẩm. Hạn chế ăn trực tiếp các thực phẩm tươi sống hoặc lên men nếu các thực phẩm này không được bảo quản đúng, các loại thực phẩm có dấu hiệu nhiễm nấm mốc. Đối với thức ăn thừa, cần đậy kín rồi bảo quản trong ngăn mát hoặc ngăn đông, trước khi dùng lại cần hâm nóng đủ thời gian. Đối với các thực phẩm đông lạnh, rã đông trước khi nấu bằng một trong các cách sau: rã đông trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm, rã đông dưới vòi nước chảy, hoặc bằng lò vi sóng. Thực phẩm đã rã đông thì không cấp đông lại.

Hãy thực hiện tốt các quy tắc về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ của bạn và những người thân yêu./. Bs. Diệu Hương

Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, có đến hơn 92% dân số đang sống trong không khí bị ô nhiễm và Việt Nam là một trong những quốc gia ở mức báo động cao. Tuy rằng các cơ quan, tổ chức đã cố gắng thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm không khí vẫn tiếp tục tăng cao.

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí. Đây được coi là một thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí cho biết không khí xung quanh ta là sạch hay ô nhiễm, ô nhiễm đến mức độ nào. Rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng càng cao khi chỉ số AQI càng lớn.

Chỉ số chất lượng không khí tại nước ta sẽ được tính theo thang điểm gồm 6 khoảng giá trị AQI. Tương ứng với đó là biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể, AQI ở khoảng giá trị từ 0 - 50 tương ứng chất lượng không khí tốt, màu xanh; AQI (51 - 100), chất lượng không khí trung bình, màu vàng; AQI (101 - 150), chất lượng không khí kém, màu da cam; AQI (151 - 200), chất lượng không khí xấu, màu đỏ; AQI (201 - 300), chất lượng không khí rất xấu, màu tím; AQI (301 - 500), chất lượng không khí nguy hại, màu nâu.

Theo Tổng cục Môi trường, thời gian gần đây, chất lượng không khí nước ta có xu hướng giảm mạnh, nhiều ngày ở mức xấu, rất xấu, thậm chí là nguy hại. Nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, v.v.

Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người mà còn gây thiệt hại kinh tế bao gồm các khoản chi phí: Chi phí khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm. Đa số người dân sau khi nghỉ ốm để điều trị bệnh hoặc có người thân bị ốm sẽ giảm khoảng 20% về thu nhập và sức khỏe so với trước khi bị bệnh.

Trước tình hình ô nhiễm môi trường không khí ngày càng trầm trọng đang diễn ra, mỗi chúng ta cần phải hành động để bảo vệ sức khỏe cũng như hành tinh của chúng ta. Cần có nỗ lực và hành động đồng bộ từ nhiều ban, ngành trong quản lý và cải thiện chất lượng không khí. Ngoài ra, đây không chỉ là vấn đề ở Trung ương, mà còn cần sự góp sức ở địa phương và cộng đồng.

Cộng đồng hãy cùng chung tay hành động vì bầu không khí sạch của chúng ta./.

Bs. Diệu Hương

 
 

Ngày 01/01/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, do Quốc hội ban hành ngày 09 tháng 01 năm 2023 sẽ có hiệu lực, thay thế Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Đồng thời, đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh.

Tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Liên quan đến việc thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ngày 30 tháng 12 năm 2023, Chính phủ ban hành nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi trong đó có một số nội dung mới. Bộ Y tế dự kiến bãi bỏ 92 thủ tục hành chính, ban hành 34 thủ tục hành chính mới, 3 thủ tục hành chính thay thế để thực hiện Nghị định số 96/2023/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành các thông tư quy định cụ thể một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 27, 28, 30, 32, 34) nhằm cụ thể hóa một số nội dung do Luật giao./.Bs. Diệu Hương

Thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, những tuần gần đây, số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng, do thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm. Bên cạnh đó, mặc dù tình hình Covid-19 đang được kiểm soát nhưng số ca mắc Covid-19 vẫn ghi nhận rải rác tại một số địa phương. Vì thế, việc đồng nhiễm Covid-19 và cúm A là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc mắc 2 bệnh trên cùng lúc là nguy cơ dẫn đến bệnh nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị do cả cúm A và Covid-19 đều là bệnh chủ yếu ở đường hô hấp do vi rút gây nên.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:

- Đeo khẩu trang, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao sức đề kháng;

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm./.