Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023, cả nước đã ghi nhận 7 trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố, chưa ghi nhận ca tử vong. Các ca mắc cụ thể: Khu vực phía Bắc 5 ca (2 ca ở Quảng Ninh, 1 ca ở Hà Nội và 2 ca ở Nghệ An); Khu vực phía Nam 2 ca (1 ca ở Bến tre và 1 ca ở Trà Vinh).

Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Khi lợn bị mắc bệnh tai xanh, vi khuẩn liên cầu lợn có thể phát triển mạnh hơn và làm tăng nguy cơ lây bệnh sang người, các ổ dịch liên cầu lợn ở người thường liên quan đến việc bùng phát các ổ dịch tai xanh ở lợn.


Người bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn thường do tiếp xúc trực tiếp (chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển) hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết, lợn mang vi khuẩn chưa được nấu chín. Vi khuẩn liên cầu lợn xâm nhập qua các vùng tổn thương hở trên da hoặc niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua hạch bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan, phủ tạng. Người mắc bệnh thường có một số dấu hiệu sau: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp. Hiện chưa ghi nhận sự lây truyền từ người sang người.
Bệnh liên cầu lợn chưa có vắc xin phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết.
2. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
4. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
5. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
6. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.

 BS Diệu Hương