Offcanvas Info

Assign modules on offcanvas module position to make them visible in the sidebar.

BẢN TIN HOT:

Xem thêm tin

Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thần kinh Trung ương, lây từ động vật sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Cả người bệnh và động vật đều tử vong nếu bị nhiễm vi rút dại mà không được tiêm ngừa kháng huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại kịp thời.

Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh dại hằng năm đều được ghi nhận ở mức cao. Trong 5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh dại. Trước tình hình đó, ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.


Bệnh Dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng đã có vắc xin dùng cho cả người và vật nuôi để có thể phòng tránh bệnh Dại trong cộng đồng.
Để chủ động phòng tránh bệnh Dại, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó hoặc mèo cắn.
- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone
- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng vắc xin Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự ý chữa bệnh hoặc nhờ thầy lang chữa bệnh Dại.
Vắc xin ngừa dại cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi phơi nhiễm. Cần tiêm đủ liều và đúng lịch theo hướng dẫn của bác sĩ.
Những người có nguy cơ phơi nhiễm cao như bác sĩ thú y, người chăm sóc thú, nhân viên phòng thí nghiệm bệnh dại, người thăm dò hang động, và công nhân sản xuất sinh phẩm từ bệnh dại, người thường xuyên tiếp xúc với vi rút dại hoặc với các động vật có thể mang bệnh dại, nên được tiêm vắc xin phòng bệnh dại khi chưa phơi nhiễm./. BS Diệu Hương